Trong bài viết này, tôi muốn khám phá vấn đề: học sinh có thể học được gì từ việc thực hiện một bản tin của riêng các em? Tại Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam (AISVN), học sinh sắp hoàn thành chặng đường ba năm thực hiện mục bản tin dành cho cộng đồng trường. Tuần này sẽ đánh dấu tập thứ 50 của Bản tin học sinh AISVN và đây có vẻ là một thời điểm tốt để cùng đánh giá lại toàn bộ hành trình sau gần mười nghìn lượt xem cùng tổng thời lượng hơn bảy trăm giờ trên kênh YouTube Bản tin Học sinh AISVN.
Với vai trò Giáo viên Cố vấn, thầy Carlos, thầy Tyler và tôi thường xuyên có cơ hội trò chuyện, khảo sát ý kiến các thành viên nhóm thực hiện bản tin. Trong năm học này, nhóm có 21 thành viên là học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. This year we have 21 students from Grade 7 to Grade 12, và sau đây là những chia sẻ về điều mà các em học được thông qua việc tham gia hoạt động:
82% học sinh tham gia khẳng định rằng việc trở thành thành viên của Câu lạc bộ Bản tin Học sinh Phục vụ Cộng đồng đã giúp các em phát triển khả năng viết cho một đối tượng khán giả định sẵn.
Nhiều em chia sẻ rằng mình cũng đã có tiến bộ ở khả năng kỹ thuật và phối hợp công việc. Ví dụ, một thành viên đã tự nhận xét như sau: “Giờ đây em đã biết cách lập kế hoạch thực hiện một đoạn phim và sử dụng các kỹ thuật quay phim khác nhau để có thể thu hút sự chú ý của người xem. Kỹ năng làm việc nhóm của em cũng được cải thiện đáng kể.”
Ở vai trò Giáo viên Cố vấn cho Câu lạc bộ Bản tin Học sinh Phục vụ Cộng đồng tại AISVN, tôi rất vinh dự khi chứng kiến kỹ năng và sự tự tin của học sinh dần nảy nở ở cả việc học tiếng Anh hay trong các hoạt động học tập. Dưới đây là một số nhận xét từ thầy Carlos và thầy Tyler, các giáo viên khác thuộc nhóm Cố vấn, về thành quả học tập của học sinh:
“Tôi thực sự rất vui khi thấy các em học sinh rèn luyện kỹ năng truyền thông ở nhiều mảng từ viết kịch bản đến biên tập nội dung.” - Thầy Tyler Gates
“Tôi cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để học sinh làm quen với các nguyên tắc trong biên tập nhằm truyền tải câu chuyện của mình một cách hiệu quả." - Thầy Carlos Matheus-Hung
Có thể dễ dàng nhận thấy Bản tin Học sinh là một sự kiện đáng chú ý đối với cộng đồng AISVN, cũng như trong các chương trình giảng dạy tiên tiến của nhà trường. Tôi rất may mắn vì trước đây đã từng tham gia chương trình Tin tức Học đường BBC của Vương quốc Anh (nay là chương trình "Phóng viên Trẻ") và được trực tiếp làm việc cùng các nhà báo, nhà sản xuất của BBC để hỗ trợ phát sóng các bản tin của học sinh tại địa phương, quốc gia và thậm chí là trên phạm vi thế giới. Từ góc độ cá nhân với tư cách là Giáo viên Cố vấn cho chương trình Bản tin Học sinh, bao gồm cả kinh nghiệm tại AISVN, tôi tin rằng chương trình này đem đến những lợi ích đáng kể cho việc học tập của học sinh. Tuy nhiên hãy cùng tìm hiểu xem các nghiên cứu học thuật nói gì về điều này?
Cải thiện Kỹ năng Đọc viết và đem lại bối cảnh học tập mới cho Phương pháp Tiếp cận Kỹ năng Học tập (ATL)
Theo một báo cáo độc lập từ Ủy ban Các Trường và Học viện (SSAT - Specialist Schools and Academies Trust) thuộc Chính phủ Vương Quốc Anh thì điều này rõ ràng sẽ đem lại cho học sinh nhiều thành quả và lợi ích. Chẳng hạn, trong báo cáo gửi SSAT về Bản tin Học đường Anh Quốc, chuyên viên Tư vấn Năng lực Jan English đã chỉ ra rằng học sinh tại các trường thực hiện chương trình Bản tin Học sinh của BBC có sự tiến bộ vượt bậc về khả năng đọc viết. Những bài viết và đoạn phim mà học sinh thực hiện ở giai đoạn sau thể hiện sự tiến triển đáng ngạc nhiên, song hành với các cuộc thảo luận và làm việc nhóm đầy hiệu quả.
Thêm vào đó, nghiên cứu của Jan cũng cho thấy học sinh có thêm nhiều cơ hội thực hành phỏng vấn với các bạn của mình trong suốt chương trình học, qua đó giúp kỹ năng viết tiến bộ hơn và điều này đã được kiểm chứng khi so sánh các kịch bản mà các em thực hiện ở đầu và cuối chương trình. Đây là đặc điểm chính của các nhóm học sinh thành công trong việc thực hiện bản tin, trong đó các cuộc thảo luận chuyên sâu thường đóng vai trò nền tảng giúp các em đạt được các tiêu chuẩn của báo chí bao gồm: Rõ ràng, Súc tích và Chính xác. Là một nghiên cứu viên thuộc chương trình Thinking Together (Cùng Tư Duy) của Đại học Cambridge, Jan khẳng định rằng việc tổ chức chương trình Bản tin Học sinh mang đến cho người học những bối cảnh thực tế của đời sống, nơi trẻ có cơ hội phát triển tư duy và học vấn thông qua tương tác dạng hội thoại.
Một đánh giá độc lập của Đại học Lancashire, một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Vương quốc Anh, về chương trình Tin tức Học đường BBC cũng đánh giá cao khả năng nói và viết hiệu quả của học sinh đối với một đối tượng cụ thể, cũng như ngợi khen phương pháp tiếp cận học tập (ATL) được sử dụng tại các Trường giảng dạy chương trình Tú tài Quốc tế. Tính chất hợp tác và đòi hỏi cao về học thuật của chương trình Bản tin Học sinh đem đến cho các em những trải nghiệm mới trong việc phát triển các kỹ năng tiếp cận học tập (Kỹ năng tư duy, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng quản lý bản thân, Kỹ năng nghiên cứu và Kỹ năng xã hội). Như nghiên cứu cho thấy, chương trình bản tin có thể thúc đẩy sự tham gia của học sinh, giúp các em học sâu hiểu rộng, đồng thời truyền đạt các kỹ năng cũng như thành tích học tập.
Đối với những kết quả tích cực từ hai nghiên cứu độc lập nêu trên, có thể sẽ có ai đó tỏ ý cố chấp bằng câu hỏi “Vậy thì có gì mới? Chẳng lẽ các chương trình học thuật tiên tiến từ trước đến nay chưa đem lại lợi ích nào tương tự?” Dĩ nhiên điều này là đúng, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng chúng ta cần công nhận việc học sinh truyền tải thông tin đa nền tảng từ ý tưởng của một vài cá nhân đến các đối tượng khán thính giả là những nỗ lực đáng quý vượt ngoài bối cảnh trường lớp. Xin trích lời từ Giáo sư Don Passey, một trong những cá nhân đã đóng góp cho nghiên cứu của Lancashire, thì khi học sinh sáng tạo nên câu chuyện của mình, đó là lúc các em “không chỉ đơn thuần nộp bài cho thầy cô mà còn là công bố thành quả của mình với cả thế giới.”
Trong vai trò của những nhà giáo và học sinh chương trình Tú tài Quốc tế, thầy trò AISVN luôn tìm kiếm cho mình nhóm khán giả cũng như nền tảng kỹ thuật mà qua đó các em học sinh có thể truyền đạt cho họ những gì mình được học. Đó có thể là về Triển lãm Chương trình Tú tài Quốc tế cấp Tiểu học (PYP), học phần về truy vấn trong Chương trình Tú tài Quốc tế cấp Trung học (MYP), Đề án Cá nhân, các dự án Sáng tạo - Hành động - Phục vụ thuộc Chương trình Bằng Tú tài Quốc tế (DP) cũng như những bài học hằng ngày tại lớp. Đối với tôi, chương trình Bản tin Học sinh đem đến cho các em một cơ hội đầy thú vị, trong đó thầy cô và các bạn vẫn là những khán giả truyền thống và ngoài ra các em còn có thể đưa câu chuyện của mình đến với những nhóm đối tượng rộng lớn hơn. Tôi đồng tình với Giáo sư khi ông nói rằng Bản tin Học sinh “đem lại tính nguyên bản và sự chân thực mà không có gì sánh nổi.”
Ở bước kế tiếp trong chương trình, phải chăng học sinh sẽ tiếp tục phát triển những kỹ năng ứng dụng của báo chí như nghiên cứu, tra soát thông tin, cân bằng quan điểm cùng các yêu cầu về tính rõ ràng, súc tích và chính xác? Với những lợi ích từ vai trò thành viên của Hội đồng các trường học khu vực Đông Á (EARCOS) của AISVN, chúng tôi đã liên hệ với một trường tại Philippines là Trường Quốc Tế Manila để tìm hiểu về Bản tin Bamboo Telegraph mà họ thực hiện. Nhóm chúng tôi đã rất ấn tượng với bản tin này, vốn là một dự án do học sinh đảm nhiệm, cũng như một số chương trình khác với điển hình là Kênh thông tin Học sinh Lumberjack tại một trường tư hàng đầu ở Minnesota. Tại Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam, học sinh cấp Trung học luôn có tâm thế sẵn sàng và tự hào đón nhận những thử thách, giúp Bản tin Học sinh vươn đến tầm cao mới và đưa chương trình này trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Cùng với việc khởi tạo một tạp chí số hóa, một trang tin điện tử và những tính năng mới trong bản tin truyền hình đã quen thuộc, nhóm Bản tin Học sinh trong năm học 2020-2021 đã thể hiện sức sáng tạo và tinh thần cầu tiến cao khi không ngừng khám phá và gia tăng sự ảnh hưởng cho “đế chế" truyền thông của mình.
Các em học sinh đã cùng soạn một tuyên ngôn nhiệm vụ cho Câu lạc bộ Bản tin Học sinh Phục vụ Cộng đồng, trong đó thể hiện mong muốn tham vọng và cũng đầy sự quan tâm của các em trong việc “...hiểu rõ hơn về cộng đồng trường và hỗ trợ mọi người.” Khi cân nhắc về điều này, một hướng khả dĩ khác cũng đã được thảo luận là học sinh cấp Trung học sẽ hướng dẫn các em ở cấp Tiểu học phát triển chương trình bản tin riêng. Bạn thấy đấy, tôi đã nói là đế chế truyền thông của học sinh AISVN đang trên đà lan rộng mà!
Tìm giải pháp để Bản tin Học sinh trở thành một phần trong chương trình học hằng ngày
Lối tiếp cận chủ chốt và bền vững để đảm bảo tất cả học sinh đều được hưởng lợi ích về học tập từ chương trình Bản tin Học sinh, trong đó mỗi học sinh đều có thể là một phóng viên, biên tập viên hay nhà sản xuất là chủ động tích hợp chương trình này vào hoạch định giảng dạy. Tổ Bộ môn Ngữ văn Anh của AISVN đang chủ trì việc này bằng cách phát triển một bài giảng mới cho môn Ngữ văn khối Lớp 6 chương trình MYP. Qua trao đổi với cô Erica Raines, Trưởng Bộ môn Ngữ văn, tôi đã đề cập về việc bài giảng đầy thú vị này sẽ giúp học sinh tìm hiểu về những sự kiện đương thời cũng như về báo chí. Sau đây là chia sẻ của cô về phương pháp học tập này:
"Việc dạy học sinh những sách lược để đọc và nghe hiểu các nguồn tài liệu, chẳng hạn như tin tức, không chỉ giúp quá trình thông thạo ngôn ngữ của các em thuận lợi mà còn giúp học sinh AISVN nắm vững công cụ mà các em cần có để phát triển thành những công dân hiểu biết và tích cực của thế giới. Khi gặp thử thách buộc mình cần truyền tải thông tin, học sinh sẽ có thể lập tức sử dụng những kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng lãnh đạo và quyền công dân một cách phù hợp.” - Cô Erica Raines
Chúng tôi mong được đem đến những thông tin mới về những đột phá của Bản tin Học sinh AISVN với cộng đồng trường cũng như các khán giả của chương trình. Có lẽ đây sẽ là nhan đề cho một bài viết trong tương lai chăng? - ”AISVN tổ chức Ngày Kỷ niệm Bản tin thường niên cho học sinh từ khối Khám Phá (Discovery) đến Lớp 12 News Day.” Mà chắc đây chỉ là tin giả thôi nhé 🙂
Tôi là Phóng viên Tom Clarke, tường thuật trực tiếp thay mặt Bản tin Học sinh AISVN
tom.clarke@aisvn
Hãy đăng ký nhận thông tin từ kênh Youtube Bản tin Học sinh AISVN bằng cách nhấn vào liên kết này nhé.
English, Jan. (2009) - SST (Specialist Schools and Academies Trust UK)- BBC News School Report- Impact on Literacy
Passey, Don. and Gillen, Julia. (2009) - BBC News School Report Independent Evaluation, University of Lancaster