Năm 2015 và 2019, hai em học sinh Trương Quốc Việt (Luckey) và Trương Quốc Văn (Mickey) đã lần lượt giành giải thưởng trong cuộc thi viết về chủ đề “Khủng hoảng săn trộm tê giác” và trở thành đại diện cho Việt Nam lên đường đến Nam Phi tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Thế giới Động vật hoang dã dành cho giới trẻ.
Sau năm ngày tham dự hội nghị với 7 người Việt khác cùng 2 hướng dẫn viên địa phương, các em đã tìm ra được nhiều mối liên hệ với người dân và vùng đất cách xa quê hương 10.000 cây số. Từ khi loài tê giác hoang dã bản địa cuối cùng của Việt Nam tuyệt chủng vào năm 2011, lúc đó người ta mới bắt đầu nhìn lại vấn nạn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu thị trường lớn nhất về sừng tê giác. Những người tìm mua sừng tê giác thường sử dụng chúng như một phương thuốc chữa bách bệnh, thậm chí là ung thư, mặc dù không có bất kỳ đặc tính chữa bệnh nào theo nghiên cứu khoa học. Một nhóm người khác tuy không có nhu cầu rõ rệt nào cũng góp phần mua và sở hữu những chiếc sừng này để khẳng định địa vị trong xã hội.
Hai bạn cũng đại diện cho Việt Nam tham gia trò chuyện với người dân địa phương trong bối cảnh họ chưa biết nhiều về người Việt Nam – mặc định là một thế lực đối kháng đang giết hại các loài động vật quý hiếm của họ. Ngược lại, những người mua sừng ở Việt Nam cũng không ý thức được hết mức độ tàn phá mà họ đang gây ra cho hệ sinh thái, thêm vào đó việc mua sừng khiến người dân Nam Phi phải đọ sức và đấu tranh lẫn nhau vì nhu cầu này. Một hệ lụy dây chuyền từ một chiếc sừng được mua ở châu Á lại gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng ở châu Phi.
Chia sẻ sau khi trở về, hai bạn đều hy vọng có thể truyền đi thông điệp để nhắc nhở mọi người kết nối với nhau nhiều hơn những gì chúng ta có thể nhận ra và bất kỳ hành động nào với mẹ thiên nhiên cũng đều có thể có tác động lớn hơn chúng ta nghĩ.