tư vấn

logo

tư vấn

tư vấn

Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục

16/09/2022

Trong bối cảnh quốc tế hóa, giáo dục đã trở thành xu thế toàn cầu buộc Việt Nam phải đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Muốn vậy, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, dành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho giáo dục.

Học sinh và giáo viên AISVN trong giờ học

Vẫn còn ít trường quốc tế

Phát biểu tại hội nghị “Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục năm 2022” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức ngày 15/9/2022 (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến), PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, Việt Nam hiện có hơn 400 chương trình đào tạo quốc tế đang được giảng dạy tại 44 cơ sở giáo dục đại học, trong đó bao gồm 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Ở bậc mầm non và phổ thông, có trên 170 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập. Cùng với đó là hơn 200 các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả các chương trình đào tạo này đã góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ cho học sinh, sinh viên, cán bộ, doanh nhân Việt Nam đồng thời cũng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. 

Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay Việt Nam đã thu hút được 605 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn các dự án chủ yếu tập trung hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM, chiếm tới 91,23% tổng vốn đăng ký. Cụ thể, tại TP.HCM có 250 dự án với tổng vốn đầu tư là gần 4 tỷ USD chiếm 86% về tổng vốn đầu tư. Kế đến là Hà Nội với 239 dự án, chiếm 5,14% về tổng vốn đầu tư và cuối cùng là Đà Nẵng với 30 dự án. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, với hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ và thuận lợi, nhu cầu cao đối với việc học tập các chương trình giáo dục chất lượng cao, việc đầu tư vào giáo dục của Việt Nam đang được coi là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đặt ra. Cụ thể, đến năm 2025, số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập phải chiếm 16% tổng số cơ sở giáo dục tại Việt Nam. 

Thế nhưng, trên thực tế, trong năm học 2020-2021, mới có hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập (chiếm hơn 9%) trong 42.080 cơ sở giáo dục trên cả nước. Và trong số cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 17%. Tỷ lệ còn rất thấp so với mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh quốc tế hóa, giáo dục đã trở thành xu thế toàn cầu buộc Việt Nam phải đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Các chính sách hợp tác và đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện đáng để thu hút đầu tư vào ngành giáo dục. Cụ thể, nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã có những chính sách ưu đãi về đất, về thuế, phí…, tạo điều kiện để các tổ chức giáo dục đến đầu tư. Các địa phương này cũng đã dành những quỹ đất nhất định phục vụ cho đầu tư giáo dục. 

Gỡ bỏ những vướng ngại

Tuy nhiên, các tổ chức giáo dục quốc tế cho rằng, những ưu đãi đó vẫn chưa đủ mạnh để hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào giáo dục. Các tổ chức giáo dục quốc tế cho biết họ vẫn còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động giáo dục… Vì vậy, họ kiến nghị các tỉnh thành và  Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất nhiều hơn nữa cho giáo dục. Bên cạnh đó, các địa phương phải lên danh mục dự án đầu tư về giáo dục theo nhu cầu của địa phương để nhà đầu tư xác định tính phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng khuyến nghị địa phương cần có chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng hơn nữa và hỗ trợ tối đa cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Ngược lại, các nhà đầu tư cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các địa phương, xây dựng và thực hiện các dự án thực sự chất lượng… 

Ngoài các yếu tố trên, ông Barry Sutherland - Tổng hiệu trưởng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho rằng, để việc đầu tư cho giáo dục mang lại kết quả, tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế hiện nay rất cần người đứng đầu tổ chức giáo dục phải có tâm và có tầm. 

Ông Barry Sutherland cũng cho biết, hiện AISVN đã xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng hệ thống chuỗi trường này tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Song song đó, trường cũng sẽ hợp tác và chuyển giao mô hình giảng dạy chương trình tú tài quốc tế (IB) toàn phần có tích hợp dạy các môn tiếng Việt. 

“Để có thể xây dựng thành công mô hình đạt chuẩn giáo dục theo khung chương trình IB toàn phần, AISVN cần có nội lực vốn lớn và phải kiên định với mục tiêu giáo dục là đào tạo những công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Barry Sutherland nhấn mạnh.


Tác giả: Minh Hào - Doanh nhân Sài Gòn

crossmenu